vsalogo

MARITEC và sự nghiệp công nghiệp hóa nuôi biển

Ngày đăng: 02/04/2021
(VSA) Nuôi trồng thủy sản đang chiếm vị trí chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp khi năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần cây lúa. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa nhiều thiết bị thông minh vào nuôi trồng thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân và doanh nghiệp. Công ty Cổ phần Công nghệ Nuôi biển (Maritec) đã cho đời các sản phẩm mới phục vụ nuôi biển công nghiệp, phù hợp với các điều kiện của ngư dân. Phóng viên Tạp chí Vươn Khơi đã trực tiếp trao đổi với thạc sĩ Nguyễn Duy Hải, Tổng Giám đốc Công ty và được ông chia sẻ về những dự định mới trong năm 2021.

Phóng viên (PV): Anh có thể cho bạn đọc của Vươn Khơi biết cơ duyên nào đưa anh đến với sự nghiệp công nghiệp hóa nuôi biển và làm nên thương hiệu Maritec hôm nay?

TGĐ. Nguyễn Duy Hải: Trước đây, tôi theo học tại Khoa Cơ khí thuộc Trường đại học Universitate de Petro Si Gaze, thành phố Ploiesti, Romania theo diện học bổng toàn phần của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với tấm bằng Thủ khoa. Sau khi về nước, tôi đã làm việc tại Nhà máy Chế biến xăng dầu của Tổng Công ty Dầu Việt Nam PVOil. Sau đó, tôi tham gia chương trình đào tạo Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh, chuyên ngành Quản lý Dự án do Trường University of Wales, Cardiff giảng dạy.

Sau khi tốt nghiệp, tôi làm việc cho Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Cơ khí Hàng Hải PTSC M&C. Tại đây, tôi đã thực hiện nhiều dự án dầu khí trọng điểm của Việt Nam và quốc tế đặc biệt là thắng thầu và thực hiện thành công dự án Maharaja Lela South của Tập đoàn Total, (Pháp) - dự án dầu khí nước ngoài đầu tiên của Việt Nam do chúng ta đóng vai trò tổng thầu EPC.

Với niềm đam mê khởi nghiệp và tìm hiểu những điều mới lạ, tôi luôn nung nấu một ý định muốn làm gì đó cho phát triển kinh tế biển đảo quê hương. Sau thời gian dài tìm hiểu tôi nhận ra là nhu cầu về thuỷ hải sản trên thế giới rất lớn trong khi nguồn cung từ đánh bắt ngày càng cạn kiệt. Đặc biệt, Việt Nam có một truyền thống rất lâu đời về nuôi hải sản nhưng cách làm còn rất thủ công, với công nghệ thô sơ.

Tổng Giám đốc Maritec Nguyễn Duy Hải

Tôi đã quyết định thành lập Công ty TNHH Maritec nhằm mang các công nghệ mới cho ngành nuôi biển Việt Nam. Với khả năng ngoại ngữ và kinh nghiệm đấu thầu & quản lý dự án, tôi đã và đang hợp tác rất thành công với các đối tác lớn trong và ngoài nước đặc biệt là Na Uy để mang về những giá trị mới, mong muốn đưa ngành nuôi biển Việt Nam lên một tầm cao mới.

Maritec chuyên cung cấp các dịch vụ và sản phẩm công nghệ mới phục vụ cho ngành nuôi trồng thuỷ sản và đặc biệt là ngành nuôi cá biển. Công ty có trụ sở đặt tại đảo Long Sơn, TP. Vũng Tàu, là một trong các khu vực nuôi thuỷ sản lồng bè lớn nhất trên cả nước.

Hiện nay, Công ty đang phát triển 2 dịch vụ chính: thiết kế, mua sắm, thi công, hạ thuỷ và lắp đặt hệ thống lồng nuôi bằng vật liệu HDPE và nhuộm lưới chống bám bẩn công nghệ Nauy.

PV: Vậy Maritec đã đưa ra thị trường những công nghệ gì và được ngư dân nuôi biển đón nhận ra sao?

TGĐ. Nguyễn Duy Hải: Có nhiều công nghệ mà Maritec đã đưa ra thị trường để đồng hành cùng người nuôi, trong đó phải kể đến công nghệ: nhuộm lưới chống bám bẩn sinh học; lồng nhựa HDPE; lưới nuôi cá; máy cho cá ăn tự động SAF,… và đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người nuôi.

Nhuộm lưới chống bám bẩn sinh học: Thuốc nhuộm lưới AquaNet360 là công nghệ Na Uy tạo lớp đồng oxit trên sợi lưới lồng nuôi, là nguyên tố mà các động vật ký sinh rất sợ, không dám bám vào. Thuốc được phát triển theo công nghệ độc quyền của Công ty Steen-Hansen và đã được sử dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho các trang trại nuôi công nghiệp cá hồi tại Na Uy, Chilê và các trang trại nuôi cá chẽm tại vùng biển Địa Trung Hải. Tại Việt Nam, các bè nuôi tại Phú Quốc, Kiên Giang, Vũng Tàu, Nha Trang đã sử dụng và bảo đảm sức khoẻ cá nuôi tốt hơn hẳn. Đàn cá nuôi trong lồng lưới được nhuộm thuốc chống bám bẩn sinh học AquaNet có sức khoẻ tốt hơn, tỷ lệ sống cao hơn, mau lớn, giảm hệ số thức ăn FCR so với các lồng lưới không được nhuộm.

Lưới nuôi cá nhuộm chất chống bám bẩn sinh học tại Maritec. Ảnh: Minh Thu

Áp dụng công nghệ nhuộm lưới chống bám bẩn sinh học trong quá trình chăm sóc: Bên cạnh việc dùng vôi truyền thống, khi áp dụng công nghệ nhuộm lưới chống kí sinh, sẽ có nhưng ưu điểm vượt trội như: Giữ lưới sạch sẽ và dòng nước thông thoáng do không bị vi sinh vật bám vào lưới. Cải tạo môi trường sống cho thủy sản. Giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường. Đàn cá khỏe mạnh, ít bệnh, năng suất cao.Tiết kiệm chi phí nhân công và thời gian giặt lưới.Thời gian nhuộm lưới giữ được độ sạch sẽ lên tới 6-8 tháng.

Cung cấp lồng nhựa HDPE: Lồng nuôi là thành phần quan trọng nhất của một trang trại nuôi cá biển. Tất cả các chủ trang trại đều mong muốn lồng nuôi phải có đủ khả năng chống chịu sóng gió. Việc sử dụng lồng nuôi chất lượng tốt mang lại sự yên tâm cho khách hàng vì tài sản là đàn cá nuôi được đảm bảo an toàn. Với sản phẩm này đạt tối ưu tỷ lệ chi phí đầu tư/công suất; độ co giãn và độ bền vượt trội; chống ăn mòn; khả năng chịu bão; thời gian sử dụng lâu dài; thể tích nuôi rất lớn trên một diện tích mặt nước vừa phải; vật liệu thân thiện môi trường.

Máy cho cá ăn tự động: Máy cho cá ăn tự động giảm được nhân công và sức lao động, tăng hiệu quả kinh tế, lợi nhuận và đặc biệt là hạn chế ô nhiễm môi trường nước khu vực nuôi.

Sau mỗi mùa vụ, số lượng thức ăn dư thừa trên mỗi ao nuôi khi sử dụng máy giảm đi rất đáng kể do bộ điều khiển thông minh ngư dân có thể linh động trong việc cho cá ăn. Giảm hệ số FCR cá nuôi phát triển tốt, đồng đều hơn. Tiết kiệm được chi phí nhân công, giảm thiểu sức lao động trong quá trình chăm sóc. Gần đây Maritec đã trở thành nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam của hãng sản xuất hệ thống cho tôm, cá ăn tự động hàng đầu thế giới FFF. Hệ thống được điều khiển hoàn toàn tự động, kết nối với máy tính và điện thoại nhưng có mức giá phù hợp với tình hình chăn nuôi tại Việt Nam.

Lưới nuôi cá: Lưới là phương tiện quan trọng nhất bảo vệ đàn cá giá trị bên trong lồng nuôi. Do đó, cũng giống như bè nuôi, các chủ trang trại không bao giờ nên chọn sản phẩm lưới chất lượng thấp hoặc lưới có các thông số kỹ thuật không còn đáp ứng được yêu cầu sử dụng.  Maritec đã hợp tác với các đối tác hàng đầu trong khu vực tại Đài Loan và Nhật Bản để phân phối và cung cấp các loại lưới nuôi cá biển có chất lượng cao nhất.

PV: Là doanh nhân nhiều năm đồng hành với người dân để đưa giải pháp công nghệ hiện đại vào ứng dụng cho nuôi biển, anh nhận xét gì về thực trạng nghề nuôi biển hiện nay và sự cần thiết phải chuyển đổi công nghệ nuôi để thân thiện với môi trường biển?

Máy cho cá ăn tự động của FFF và Maritec hợp tác

GĐ. Nguyễn Duy Hải: Nghề nuôi biển nước ta còn lạc hậu. Tồn tại lớn nhất hiện nay đối với nuôi biển là đa số trại nuôi và vùng nuôi còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết, điều kiện cơ sở hạ tầng còn hạn chế, trình độ kỹ thuật của người nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu, mật độ lồng nuôi ngày càng gia tăng dẫn tới phá vỡ quy hoạch tại các vùng nuôi. Công nghệ nuôi và hệ thống lồng bè chưa thích ứng với điều kiện thời tiết, sóng biển. Một số đối tượng nuôi chưa có quy trình chuẩn hoặc chưa được nghiên cứu thử nghiệm.

Hầu hết người nuôi vẫn sử dụng cá tạp làm thức ăn cho thủy sản nuôi nên rất dễ gây ô nhiễm môi trường; hiện tượng phát sinh dịch bệnh tại hầu hết các vùng nuôi chưa được kiểm soát, trong khi môi trường vùng ven biển ở nhiều địa phương bị ô nhiễm nặng do tác động tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. 

Để phát triển bền vững nuôi thủy sản biển ven bờ và các đảo gần bờ, các địa phương ven biển cần tổ chức lại sản xuất, cải tiến công nghệ nuôi thích ứng với điều kiện tự nhiên và biến đổi khí hậu, cần phát triển các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh và thị trường tiêu thụ. Đồng thời, cần có chứng nhận, chỉ dẫn địa lý để có thể truy xuất nguồn gốc. 

Theo đó, các tổ chức, cá nhân tham gia nuôi biển cần áp dụng công nghệ nuôi hiện đại như công nghệ nuôi tuần hoàn, công nghệ tạo dòng chảy, sử dụng thức ăn công nghiệp, nuôi đa canh kết hợp nhiều loài hải sản theo mô hình IMTA hoặc hình thức hữu cơ, sinh thái, bảo đảm sức tải môi trường, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ. 

Một số loại lồng HDPE chất lượng cao do Maritec cung cấp

PV: Được biết, MARITEC đã được VSA cũng như ngư dân đánh giá rất cao về cung cấp giải pháp cho nghề nuôi tôm hùm bằng lồng nuôi chịu gió bão. Xin anh cho biết đôi nét về tính năng vượt trội của công nghệ này?

TGĐ. Nguyễn Duy Hải: Nghề nuôi tôm hùm thương phẩm phát triển đã góp phần tạo thu nhập đáng kể cho các hộ nuôi. Tuy nhiên, hiện nay tình hình nuôi đang gặp nhiều khó khăn, trong khi tình hình thời tiết diễn biến phức tạp khó lường do biến đổi khí hậu. Hiểu được điều này, Maritec đã đưa ra thị trường sản phẩm lồng nuôi tôm hùm chịu bão với tuổi thọ cao, góp phần giúp người nuôi tiết kiệm chi phí đầu tư.

Lồng nuôi tôm hùm chịu bão của Maritec có những đặc điểm ưu việt như sau: Được thiết kế từ vật liệu HDPE; sử dụng khớp đàn hồi; chịu được sóng có độ cao 2m; bề mặt phủ lớp chống UV cho tuổi thọ tối thiểu 20 năm và lên đến 50 năm nếu bảo trì thường xuyên; kích thước lồng chế tạo sẵn: 3 – 5m; thời gian lắp ráp nhanh chóng. Tùy vào điều kiện từng vùng biển, có thể sử dụng các kiểu lồng nuôi khác nhau, lồng hở hoặc lồng kín. Bên cạnh đó, việc quản lí thường xuyên lặn kiểm tra lồng, kiểm tra tình trạng tôm, định kỳ 10 -15 ngày vệ sinh lồng nuôi một lần đảm bảo môi trường sạch sẽ thông thoáng.

PV: Được biết, Maritec đang tìm hiểu về công nghệ hệ thống tự động hóa hoàn toàn trong nuôi hàu từ con giống tới thu hoạch. Bạn đọc của Vươn Khơi tò mò muốn được nghe anh chia sẻ đôi điều về điều này.

TGĐ. Nguyễn Duy Hải: Vâng, MARITEC đang tìm hiểu về một hệ thống tự động hoá hoàn toàn trong nuôi hàu từ con giống tới thu hoạch.

Tại Triển lãm AquaNor năm 2018 ở Na Uy, tôi đã trao đổi với một đối tác có sản phẩm bằng nhựa để hàu giống bám lên có tên gọi là “Nón Trung Hoa” thay cho dây xâu vỏ hàu như đang dùng tại Việt Nam. Công nghệ này cho phép việc tách hàu giống rất dễ dàng và năng suất cao.

Hàu giống sau đó được chuyển sang các lồng treo chuyên dụng có tên là hexcyl do Úc sản xuất. Loại lồng này có ưu điểm ngoài độ bền vượt trội, còn chống được các loài địch hại cũng như đảm bảo hàu không bị rơi ra ngoài khi sóng gió. Lồng có độ lắc và được đảo chiều để hàu bên trong không bị nằm chồng lên nhau. Việc thu hoạch cũng rất dễ dàng với tàu chuyên dụng và các hệ thống hỗ trợ. Chỉ cần 2-3 người có thể vận hành cả trang trại hàu.

Hình ảnh dùng giá thể nhựa cho hàu giống Hình ảnh nuôi và thu hoạch hàu theo công nghệ hiện đại.

Tuy nhiên, rất khó đưa hệ thống này về Việt Nam do chi phí và mức độ tự động động hoá cao chưa phù hợp với hiện trạng nuôi hàu tại Việt Nam. Nếu áp dụng chỉ có thể áp dụng hệ thống giá thể hàu, máy thu tách hàu giống và lồng nuôi hàu. Và chỉ những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mới có thể áp dụng các thiết bị này trên quy mô lớn.

Tình hình Covid đang gây trở ngại rất lớn cho ngành thủy sản nói chung và Maritec nói riêng, do đó chúng tôi đang có những điều chỉnh về mặt chiến lược hoạt động cho phù hợp để thích ứng với tình hình hiện tại.

PV: Anh có khuyến cáo gì đến người nuôi thủy sản trong lựa chọn công nghệ để thân thiện với môi trường biển?

TGĐ. Nguyễn Duy Hải: Tôi xin có đôi lời khuyến cáo với bà con.

Lồng nuôi không đạt yêu cầu có thể làm mất cả đàn cá. Trong nuôi cá lồng bè, giá trị của đàn cá cao hơn gấp nhiều lần chi phí lồng nuôi. Do đó, chất lượng vật liệu tạo nên lồng phải là ưu tiên hàng đầu. Đừng để việc tiết kiệm một số tiền nhỏ ban đầu trong việc làm lồng bè mang lại rủi ro mất mát lớn về sau cho cả đàn cá.

Trên thị trường chỉ có một số ít nhà sản xuất đạt yêu cầu về chất lượng ống HDPE và đai lồng. Việc lựa chọn chỉ dựa vào giá và thiếu kinh nghiệm đánh giá tiềm ẩn những rủi ro vô cùng to lớn cho người nuôi.

Với kinh nghiệm thi công lồng HDPE tại những vùng biển xa bờ, Maritec chỉ lựa chọn những vật tư từ nhà cung cấp uy tín nhất. Ngoài ra, chúng tôi cũng trực tiếp vận hành trại nuôi, do đó có thể tư vấn cho khách hàng mọi vấn đề liên quan đảm bảo đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất.

PV: Maritec đang đi đúng hướng và thu được một số thành tựu nhất định. Trong thời gian tới, hy vọng công ty sẽ đạt được bước phát triển đột phá mới, mang lại những giải pháp công nghệ thực sự hữu ích cho sự phát triển của ngành nuôi biển theo hướng công nghiệp, thân thiện, bền vững và làm tròn trách nhiệm đối với môi trường - xã hội. Trân trọng cảm ơn anh.

                                                                                                            Ngọc Diệp thực hiện

Bạn cần đăng nhập để bình luận