vsalogo

Đội tàu sát thủ Trung Quốc tàn sát nguồn lợi biển Nam Mỹ

Ngày đăng: 16/02/2022
Với số lượng đông đảo, ánh sáng chiếu rọi từ đội tàu Trung Quốc ở bờ biển Nam Mỹ ngang ngửa với các sân vận động và có thể quan sát từ vệ tinh.

Đội tàu sát thủ đại dương: Cuộc chạm mặt lúc 3h

Là một trong những loài sinh vật biển giàu giá trị dinh dưỡng nhất ở bờ biển tây nam của Nam Mỹ, mực Humboldt được Trung Quốc tập trung khai thác mạnh vài năm gần đây. Với chiều dài khoảng 1,5m, trọng lượng có thể lên tới 50kg, loài mực này không những có giá trị kinh tế, mà còn là đối tượng nghiên cứu bởi hàm răng sắc nhọn, cứng như thép.

Mực Humboldt có nhiều điều kiện để phát triển trong thời điểm này. Chúng thích môi trường ấm trong đại dương, xu hướng thường xảy ra do biến đổi khí hậu. Một yếu tố nữa là các loài thiên địch như cá mập, cá ngừ biến mất do tình trạng đánh bắt tràn lan. Tuy nhiên, trong thực tế, mực Humboldt lại đang đối mặt với nguy cơ tồn vong nghiêm trọng chưa từng có, nguyên nhân bởi việc khai thác tràn lan ở Nam Mỹ, với Trung Quốc là tác nhân chính.

Theo Ủy ban Nghề cá Khu vực Nam Thái Bình Dương, số lượng tàu Trung Quốc hoạt động ở Nam Thái Bình Dương đã tăng 10 lần, từ 54 tàu hoạt động thường xuyên năm 2009 lên 557 tàu vào năm 2020. Trong thời gian này, sản lượng thủy sản khai thác của tàu cá Trung Quốc tăng từ 70.000 tấn lên 358.000 tấn. Và đây mới chỉ là số lượng chính thức.

Hoạt động khai thác mực Humboldt chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Mỗi tàu cá Trung Quốc sử dụng hàng trăm đèn công suất lớn giống như đèn chiếu sáng sân vận động để thu hút bầy mực. Mức độ sáng của đội tàu này có thể nhìn thấy từ vũ trụ. Ảnh chụp vệ tinh cho thấy, ánh sáng từ đội tàu Trung Quốc mạnh tương đương những thành phố lớn tại Nam Mỹ.

Tàu câu mực và một tàu lớn được cho là của Trung Quốc trong một lần gần vùng biển Ecuador.

"Nơi đó không khác gì miền Tây hoang dã. Không một ai có trách nhiệm thực thi pháp luật tại khu vực biển này", thuyền trưởng tàu nghiên cứu Ocean Warrior - Peter Hammarstedt nói.

Hãng tin AP cho biết, hành trình săn mực ngoài khơi Galapagos của đội tàu Trung Quốc bắt đầu từ nhiều tháng trước ở vùng biển Đại Tây Dương phía Đông Nam Mỹ. Ngư trường đánh bắt tự do này nằm ở khu vực giữa vùng biển Argentina và quần đảo Falkland - nơi tranh chấp giữa Anh và Argentina. Bởi tính chất đặc biệt như vậy, khu vực này không có giấy phép đánh bắt, giới hạn đánh bắt, cũng như các hoạt động giám sát. Tính từ tháng 11/2020 đến tháng 5/2021, tổng cộng 523 tàu cá Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Argentina, tăng 35% so với năm trước đó.

Trong số này, 42% số tàu ít nhất một lần tắt thiết bị truyền phát tín hiệu bắt buộc. 188 phương tiện xuất hiện quanh quần đảo Galapagos từng tắt thiết bị định vị, 14 chiếc tắt thiết bị ở cả Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Thời gian tắt thiết bị kéo dài trung bình 34 giờ.

Không những mất kiểm soát với đội tàu Trung Quốc khi chúng tắt sóng, nhà chức trách Argentina còn phải đương đầu với nhiều vấn đề đau đầu, chẳng hạn ngư dân địa phương bị tấn công, thậm chí là bằng súng.

Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, mà Trung Quốc là thành viên ký kết, các tàu lớn bắt buộc sử dụng liên tục hệ thống nhận dạng tự động, hay AIS, để tránh va chạm. Các tàu chỉ tắt trong trường hợp có mối đe dọa sắp xảy ra, ví dụ chạy trốn cướp biển, là một vi phạm lớn dẫn đến các biện pháp trừng phạt đối với một tàu và chủ sở hữu của nó theo luật của quốc gia mà nó được gắn cờ.

Tuy nhiên, đội tàu hàng trăm chiếc của Trung Quốc làm nhiều hành động trong "bóng tối" một cách hệ thống, và không có lý do chính đáng. Những gì mà cộng động thế giới biết là cuộc hành trình đến Galapagos đã bắt đầu từ nhiều tháng trước. Bằng cách sử dụng mạng lưới các tàu lạnh khổng lồ, hoặc tàu ngầm, có khả năng chở hơn 15.000m3 cá - đủ để lấp đầy 6 bể bơi tiêu chuẩn Olympic, đồng thời được các tàu chở dầu khổng lồ cấp nhiên liệu thường xuyên, với giá ưu đãi, đội tàu này đủ khả năng đáp ứng nhu cầu trong vài năm.

Hành trình di chuyển của đội tàu Trung Quốc tới Nam Mỹ.

Tại ngư trường không kiểm soát lớn bậc nhất thế giới Galapagos, đội tàu Trung Quốc không có đối thủ. Hồi cuối năm 2020, các nước Chile, Colombia, Ecuador và Peru đồng loạt khẳng định, sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn tình trạng đánh bắt hải sản trái phép. Tuy nhiên cho đến nay, gần một năm sau tuyên bố chung ấy, mọi việc vẫn chưa được cải thiện.

TS. William Gilly, một nhà sinh vật học biển của Đại học Stanford, Anh nhận xét rằng, tình hình hiện tại ở Galapagos cũng như vùng đặc quyền kinh tế của các nước Nam Mỹ - nơi đội tàu Trung Quốc thường xuyên đánh bắt - được lột tả qua tình trạng ngày một cạn kiệt của loài mực Humboldt.

Mực là một phong vũ biểu quan trọng của môi trường biển, một băng chuyền sinh học vận chuyển năng lượng từ các sinh vật phù du siêu nhỏ đến các loài săn mồi như cá mập, cá ngừ, và cuối cùng là con người. Nếu một loài sinh vật dồi dào trong tự nhiên bị đe dọa, rõ ràng chúng ta cần phải xem xét một cách nghiêm túc tình hình”, Gilly bày tỏ.

Mới đây, trước quan ngại về hoạt động đánh bắt của tàu cá Trung Quốc tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP26) ở thành phố ở Glasgow, Scotland hôm 2/11/2021, bốn nước châu Mỹ La tinh (Ecuador, Colombia, Costa Rica, Panama) thông báo sẽ mở rộng và hợp nhất các khu bảo tồn biển của họ để tạo ra một vành đai khổng lồ ở Thái Bình Dương.

Vành đai biển mới nói trên sẽ tạo ra một khu được bảo vệ rộng 500.000 km2, kết nối quần đảo Galapagos thuộc Ecuador với đảo Malpelo thuộc Colombia, đảo Cocos do Costa Rica quản lý và đảo Coiba trong vùng biển thuộc Panama, bảo vệ các loài di trú từ những đội tàu đánh bắt lên đến hàng trăm chiếc đến vùng biển phía đông Thái Bình Dương mỗi năm. Bốn nước châu Mỹ La tinh cho hay họ đang cố gắng đóng góp cho một sáng kiến toàn cầu là bảo tồn 30% đại dương và diện tích đất như là cách đối phó biến đổi khí hậu.

Bảo Thắng   Nguồn: Báo Nông nghiệp

 

Bạn cần đăng nhập để bình luận